PNO - Một người bạn đi cùng tôi đã thốt lên rằng “Đẹp! À không, phải nói là quá đẹp!” khi đến thành phố bồ câu.
Ngoài cổng khu du lịch bước vào, không khó để bạn tìm thấy thành phố bồ câu vì nó nằm ở ngay khu trung tâm. Chỉ cần bước đến cầu Kiều - công trình được ví như con đường mở lối vào “thiên đường xanh” Trà Sư - bạn đã có thể thấy những tổ bồ câu nhỏ xinh chào đón mình.
Du khách thích thú chụp ảnh với chim bồ câu |
Thành phố bồ câu nằm trong khuôn viên khu du lịch rừng tràm Trà Sư, thuộc thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo nên một Trà Sư độc lạ - hấp dẫn du khách (trong và ngoài nước) đến tham quan lẫn quay phim, chụp ảnh kỷ niệm, ảnh cưới...
Biểu hiệu chào mừng du khách đến với thành phố bồ câu |
“Lạc” vào thành phố đặc biệt, thứ đầu tiên bạn thấy là những “biệt thự” bồ câu màu trắng, được thiết kế theo phong cách cổ điển Pháp nổi bật giữa sông nước, mây trời và màu xanh bao la của rừng tràm khiến khách ngỡ như mình đang ở trời Âu.
Các "biệt thự" bồ câu màu trắng được thiết kế theo phong cách Tây Âu đơn giản mà sang trọng |
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng thành phố bồ câu, ông Lê Hoàng Ân - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch An Giang, kiêm Giám đốc Điểm du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư - cho biết, năm 2019, trong những lần đi du lịch châu Âu cùng các cộng sự, ông thực sự bị hấp dẫn và choáng ngợp trước vẻ đẹp của loài chim biểu tượng hòa bình.
Bồ câu xinh xắn và khá thân thiện với con người |
Ông nói rằng không thể rời mắt trước đàn bồ câu xinh xắn, đáng yêu nhất là khi chúng bay lên bay xuống mổ thức ăn hay thậm chí đậu trên vai, trên tay những du khách trông rất thân thiện, gần gũi. Với tình yêu ấy, cộng với mong muốn mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm độc đáo, thú vị khi đến rừng tràm Trà Sư, vậy là thành phố bồ câu ra đời.
Lúc đầu, đàn bồ câu chỉ có khoảng 200 con, sau gần 5 năm chăm sóc nuôi dưỡng và lai tạo giống thành công, đến nay số lượng “cư dân” bồ câu ở đây ước tính khoảng 1.000 con, tạo nên một quần thể bồ câu lớn nhất cả nước.
Một phần "cư dân" trong thành phố chào đón khách tham quan |
"Cụm biệt thự" bồ câu nhìn từ cầu Kiều |
Một trong những khung cảnh đẹp, khiến nhiều du khách thích thú khi tham quan "thành phố" |
Chúng tôi đếm được có hơn 50 “biệt thự” bồ câu ở đây, chưa kể một số nằm rải rác cạnh rừng tràm. Được biết, mỗi chuồng có khoảng 15 con bồ câu, những lúc cao điểm, có thể lên tới 20 con. Những chiếc chuồng nhỏ xinh vừa là nơi sinh hoạt, vừa là chốn ấm áp để bồ câu đẻ và ấp trứng.
Các "biệt thự" bồ câu nằm rải rác khắp nơi ở rừng tràm |
Ông Ân cho biết, số lượng bồ câu trưởng thành ở đây đẻ từ 5 - 6 lứa/năm, mỗi lứa đẻ được từ 1 - 2 trứng. Sau gần 5 năm, lượng “cư dân” đã tăng lên gần gấp 5 so với ban đầu. Khi số lượng sinh sản nhiều, bồ câu sẽ được mang tặng cho những nơi có nhu cầu.
Cũng theo ông Ân, để có thể bảo tồn, lai giống và giúp đàn bồ câu phát triển khỏe mạnh, quy trình chăm sóc cũng như thiết kế, vệ sinh chuồng rất được quan tâm. Chuồng trại được thiết kế thoáng mát, theo đúng quy chuẩn về chiều cao - chiều dài và chiều rộng, dọn vệ sinh hàng ngày để đảm bảo bồ câu ở thoải mái, sinh trưởng tốt. Hàng năm, bồ câu đều được tiêm ngừa cúm đầy đủ.
Tổ được thiết kế khá công phu để đảm bảo cho bồ câu sinh trưởng tốt |
Tôi thực sự thích thú và choáng ngợp trước vẻ đẹp thành phố bồ câu. Những chú bồ câu khiến nhiều người có cảm giác thân thiện, gần gũi, nhất là những lúc được cho ăn.
Bồ câu thân thiện và gần gũi với du khách |
Khi cho bồ câu ăn, bạn chỉ cần đưa tay ra là đã có thể dễ dàng chạm vào và cưng nựng chúng. Bạn cũng có thể dễ dàng “dụ” chúng đậu trên vai, trên cổ để chụp hình. Do vậy, có rất nhiều du khách đến đây tham quan, chụp hình và trải nghiệm cảm giác cho bồ câu ăn.
Ở đây, bạn có thể tìm thức ăn cho bồ câu với giá 10.000đồng/gói |
Nếu một lần đến An Giang, bạn hãy ghé rừng tràm Trà Sư để "gặp gỡ" những chú bồ câu đáng yêu nhé.